Lâm Đồng: Gian nan cuộc chiến chống gian lận trong kinh doanh xăng dầu
Những vụ gian lận điển hình
Tháng 5/2017, qua kiểm tra 4 trụ bơm tại Cửa hàng xăng dầu 1/5 (thôn 2, xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, thuộc Cty Việt Khang), Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Lâm Đồng (TCĐLCL) và Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Di Linh phát hiện 1 trụ bơm tem kiểm định sai số cho phép là 9,31% (được phép là 0,45%).
Cửa hàng xăng dầu của Công ty Mai Hoa tại bị lực lượng liên ngành kiểm tra. |
Theo đó, khách hàng mua 1 lít xăng có thể bị hụt khoảng 100ml. Đầu tháng 6/2017, Thanh tra Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định xử phạt Cty Việt Khang 100 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu (GCN) 3 tháng.
Đầu tháng 10/2017, Đội Quản lý thị trường cơ động (QLTT) phối hợp cùng Công an tỉnh Lâm Đồng, Chi cục TCĐLCL tiến hành kiểm tra Công ty Mai Hoa (số 705 quốc lộ 20, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) và lấy 1 mẫu xăng RON 92 và 1 mẫu xăng RON 95 đưa đi thử nghiệm.
Kết quả cả 2 mẫu xăng trên đều có chất lượng không đúng quy chuẩn tại Nghị định số 80/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Tại thời điểm kiểm tra, số lượng hàng hóa còn tồn tại gồm 8.790 lít xăng RON 92 và 15.496 lít xăng RON 95.
Ngày 5/10/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định xử phạt Cty Mai Hoa hơn 1,3 tỷ đồng về hành vi mua, bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy định và tước quyền sử dụng GCN 1 tháng, buộc tái chế toàn bộ sản phẩm.
Tiếp đó, ngày 16/10/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định xử phạt Doanh nghiệp tư nhân Lục Nam (số 284/53, đường Thống Nhất, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) 299,7 triệu đồng và tước quyền sử dụng GCN 1 tháng do có hành vi kinh doanh xăng có chất lượng không phù hợp với quy định.
Trước đó, Chi cục QLTT phối hợp với Công an tỉnh và Chi cục TCĐLCL kiểm tra đột xuất lấy 2 mẫu xăng Ron 92 II đưa đi thử nghiệm chất lượng 2 lần đều không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật. Tại thời điểm kiểm tra, số lượng hàng hóa còn khoảng 5.500 lít.…
Vẫn còn nhiều “lỗ hổng”
Theo số liệu từ cơ quan chức năng, tính đến tháng 4/2018, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 168 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu; trong đó có 2 DN đầu mối, 265 cửa hàng xăng dầu, đã triển khai dán tem, kẹp chì niêm phong 1.148 cột đo xăng dầu.
Tổng sản lượng xăng dầu tiêu thụ năm 2017 là 235.834.393 lít, tăng 33% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là công tác dán tem, kẹp chì niêm phong công tơ tổng của các cửa hàng xăng dầu vẫn chưa phải là biện pháp khả thi.
Một số DN vẫn có thể lợi dụng “lỗ hổng” để thực hiện các thủ thuật (như: “lỡ” làm rách tem hoặc đứt kẹp chì niêm phong; tác động vào công tơ để đong thiếu cho khách hàng; tác động vào công tơ tổng làm thay đổi sản lượng bán ra để trốn thuế…) mà đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý.
Mặt khác, thời gian qua, có rất nhiều nguồn cung xăng, dầu và đã xuất hiện dấu hiệu về hành vi buôn lậu xăng dầu tinh vi, đa dạng khó phát hiện.
Ngoài ra, lợi dụng việc phần lớn người tiêu dùng khi mua xăng dầu đều không lấy hóa đơn nên một số cơ sở kinh doanh xăng dầu đã đưa lượng xăng dầu trên vào các hóa đơn cung cấp cho các tổ chức hành chính sự nghiệp nhằm quyết toán với ngân sách nhà nước hoặc cung cấp các DN áp dụng phương pháp khấu trừ nhằm làm giảm thu nhập chịu thuế.
Đó là chưa nói các cơ quan chức năng không quản lý được một số xe bồn vận chuyển xăng dầu ngoại tỉnh cung cấp hàng trực tiếp cho các công trình có nhu cầu xăng dầu lớn.
Từ đó, rất có thể một lượng xăng dầu không nhỏ, nhân cơ hội này đã tuồn ra thị trường mà không bị kiểm soát về chất lượng.
Cơ quan chức năng nói gì?
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành; thiếu sự chủ động, phối hợp trong công tác tham mưu, đề xuất UBND các cấp các biện pháp quản lý phù hợp hơn.
Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước quy định về kinh doanh xăng dầu còn thiếu sót, chồng chéo; chưa có biện pháp chế tài xử lý hành vi làm rách tem, đứt kẹp chì niêm phong công tơ tổng của các cửa hàng xăng dầu.
Ngoài ra, biện pháp quản lý các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu không có trụ sở đặt tại địa phương còn bất cập, lỏng lẻo. Vì vậy, cuộc chiến chống gian lận thương mại xăng dầu vẫn còn tiếp diễn.
Tháng 4/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Đề án “Tăng cường công tác phòng chống gian lận thương mại, thất thu thuế trong lĩnh vực KDXD trên địa bàn tỉnh”.
Theo đó, Ban Chỉ đạo 398 của tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy, Công an tỉnh, Sở KH&CN và UBND các huyện, TP trong tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ chuyên môn, nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, cửa hàng bán lẻ có hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh, gian lận thương mại, đo lường, chất lượng, vận chuyển trái phép xăng dầu.
Cụ thể, kiểm tra các điều kiện được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu gồm:
Có kho bể dung tích tối thiểu từ 2.000m3 thuộc sở hữu DN hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ 5 năm trở lên; có phương tiện vận tải xăng dầu thuộc sở hữu DN hoặc có hợp đồng thuê cơ quan nhà nước, có phòng thử nghiệm đủ năng lực kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng xăng dầu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng;
Có hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn từ 2 tỉnh, TP trở lên, bao gồm 5 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu DN hoặc cộng đồng sở hữu tối thiểu 10 cửa hàng thuộc các đại lý bán lẻ xăng dầu được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh bán lẻ xăng dầu…
Hy vọng rằng với đề án nói trên, cuộc chiến chống gian lận thương mại xăng dầu trên địa bàn Lâm Đồng sẽ có những khởi sắc để đẩy lùi tình trạng cả người dân lẫn Nhà nước bị các DN kinh doanh xăng dầu “móc túi”.
Phúc Ân (Pháp Luật Plus)